Chelsea và bài toán sân vận động: Nguy cơ tụt lại trong cuộc đua tài chính

20:38 Thứ ba 13/05/2025

TinTheThao.com.vnPhát biểu tại hội nghị ở Mỹ, Todd Boehly thừa nhận Chelsea có thể phải chờ tới năm 2042 mới có sân vận động mới, đối mặt nguy cơ tụt lại trong cuộc đua tài chính.

Todd Boehly báo tin xấu cho CĐV Chelsea.
Todd Boehly báo tin xấu cho CĐV Chelsea.

Trong khi các ông lớn của bóng đá Anh đang tăng tốc với những dự án sân vận động hoành tráng nhằm tăng cường nguồn thu và mở rộng tầm ảnh hưởng, Chelsea dường như đang bị bỏ lại phía sau. Phát biểu mới đây của Todd Boehly – đồng chủ sở hữu CLB – đã phơi bày một thực tế khó chối cãi: sân vận động mới của Chelsea có thể phải chờ đến năm 2042 mới trở thành hiện thực.

Tại Hội nghị Toàn cầu Milken Institute diễn ra tại Mỹ, Todd Boehly tiết lộ rằng kế hoạch xây sân mới là một dự án "kéo dài nhiều năm", và rằng ban lãnh đạo CLB từng đặt mục tiêu trong 15-20 năm để hiện thực hóa ý tưởng này. Mặc dù khẳng định rằng yếu tố ưu tiên hàng đầu là lợi ích của người hâm mộ, nhưng tỷ phú người Mỹ cũng thừa nhận quy mô dự án quá lớn và vấp phải nhiều rào cản từ các bên liên quan trong một thành phố đắt đỏ và đông đúc như London.

Stamford Bridge – ngôi nhà của Chelsea từ năm 1905 – đã được cải tạo nhiều lần, nhưng sức chứa hiện tại chỉ dừng lại ở mức 40.173 chỗ ngồi, thấp nhất trong nhóm "Big Six" của Ngoại hạng Anh. Trong bối cảnh các đối thủ như Tottenham, Arsenal, Liverpool hay Manchester City đều đã xây mới hoặc đại tu sân vận động để nâng cao doanh thu ngày thi đấu, Chelsea lại đang "mắc kẹt" với hạ tầng lỗi thời và không đủ công suất phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của người hâm mộ.

Chênh lệch về doanh thu sân nhà đang tạo ra khoảng cách đáng kể. Trong mùa giải 2023/24, Chelsea thu về khoảng 54 triệu bảng từ các trận đấu tại Stamford Bridge. So với Tottenham, đội có sân mới sức chứa lớn hơn nhiều, chênh lệch doanh thu mỗi trận lên tới 2,7 triệu bảng – tức khoảng 51,3 triệu bảng mỗi mùa Premier League. Nếu kéo dài đến năm 2042, Chelsea có thể mất tới 872 triệu bảng so với đối thủ thành London – một khoản tiền khổng lồ đủ để đầu tư vào nhiều bản hợp đồng đắt giá.

Không chỉ tụt lại ở khoản doanh thu sân bãi, Chelsea còn đang đối mặt với tương lai bất định về thu nhập truyền hình. Trong mùa 2023/24, bản quyền truyền hình mang lại cho CLB 163,1 triệu bảng – chiếm gần 35% tổng doanh thu 468,5 triệu bảng. Khi nguồn thu từ truyền hình có xu hướng chững lại, các CLB buộc phải dựa vào sân vận động và hoạt động thương mại để duy trì tính cạnh tranh.

Chelsea đã có những bước tiến ở mảng thương mại, với doanh thu lên tới 225 triệu bảng trong năm qua. Đồng thời, khả năng trở lại Champions League và tham dự Club World Cup cũng mở ra các cơ hội tài chính mới. Tuy nhiên, không có một sân vận động hiện đại và có thể khai thác quanh năm, CLB sẽ gặp khó trong việc phát triển bền vững.

Stamford Bridge không còn sánh bằng những SVĐ hàng đầu khác ở Premier League.
Stamford Bridge không còn sánh bằng những SVĐ hàng đầu khác ở Premier League.

Bài toán của Chelsea nằm ở chính vị trí đắc địa tại London. Sức hút của thành phố này là lợi thế về thương mại, du lịch và truyền thông, nhưng đồng thời khiến chi phí xây dựng sân vận động mới đội lên quá cao. Boehly không giấu tham vọng tạo ra một công trình tầm cỡ – tương tự như sân vận động của Tottenham với các sự kiện NFL, đường đua F1 Karting – nhưng để làm được điều đó, họ cần một chiến lược tài chính thông minh và một quỹ thời gian hợp lý hơn.

Nếu không thể tăng tốc trong dự án xây dựng sân mới, Chelsea - đội đang đứng thứ năm trên bảng xếp hạng Premier League, có nguy cơ bị vượt mặt không chỉ trên sân cỏ mà cả trong cuộc đua tài chính với các đối thủ trực tiếp. Trong bối cảnh các CLB hàng đầu châu Âu như Manchester United, Real Madrid hay Barcelona đều đang đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, sân vận động không còn là câu chuyện bên lề mà đã trở thành nhân tố quyết định vị thế của một đội bóng hiện đại.

Huỳnh Trung Phong | 20:38 13/05/2025
TỪ KHOÁ
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục