
Ruben Amorim, huấn luyện viên trưởng Manchester United, đang đối diện với một nghịch lý trớ trêu: ông được ca ngợi vì sự thẳng thắn, nhưng chính điều đó lại đang đẩy CLB rơi vào tình trạng rối loạn niềm tin nghiêm trọng. Trong một môi trường bóng đá ngày càng nhiều những lời lẽ ngoại giao và né tránh sự thật, Amorim nổi bật bởi cách nói thẳng và chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, khi sự trung thực không đi kèm với kết quả, nó dễ trở thành con dao hai lưỡi.
Nhà cầm quân Bồ Đào Nha không sai khi nhận định đây là tập thể tệ nhất của Manchester United trong kỷ nguyên Premier League – một đánh giá gây sốc nhưng phù hợp với thực tế sau thất bại ê chề trước West Ham ngay trên sân nhà. Điều đáng nói là sau phát biểu đó, chính vị tân HLV lại công khai đặt dấu hỏi về tương lai của mình, tuyên bố sẽ sẵn sàng ra đi nếu không cải thiện được thành tích vào mùa sau.
Đó là điều hiếm thấy trong bóng đá hiện đại, nơi HLV thường né tránh trách nhiệm công khai. Nhưng câu hỏi đặt ra: liệu sự thành thật đó có đang làm hại chính ông và đội bóng?
Vấn đề nằm ở chỗ: cựu thuyền trưởng Sporting Lisbon có vẻ đang nói tốt hơn là huấn luyện. Dưới triều đại của ông, lối chơi của Man Utd không những không cải thiện mà còn sa sút. Khi Amorim đến vào tháng 11 năm ngoái, chỉ cần thắng Ipswich là MU sẽ cách top 2 đúng 5 điểm. Hiện tại, đội đang lẹt đẹt ở vị trí thứ 16 và chỉ có 39 điểm. Dù lọt vào chung kết Europa League, những gì diễn ra ở giải quốc nội là một thảm họa.
Việc kiên quyết giữ triết lý 3-4-3 bất chấp chất lượng cầu thủ và sự phù hợp chiến thuật cũng là điều khiến Amorim bị đặt dấu hỏi. Trong khi đó, HLV Oliver Glasner – với đội hình kém xa về chất lượng tại Crystal Palace – lại đang thành công hơn với cùng hệ thống, thậm chí vào chung kết FA Cup. Điều này càng làm lộ rõ hạn chế trong sự linh hoạt của Amorim. Nguyên tắc và triết lý là điều tốt, nhưng một HLV giỏi phải biết thích nghi trong hoàn cảnh thực tế.
Không thể phủ nhận chiến lược gia Bồ Đào Nha cần một đội hình của riêng mình, điều mà MU hiện chưa thể đáp ứng. Thị trường chuyển nhượng khắt khe, ngân sách giới hạn và số lượng cầu thủ cần thanh lý quá lớn khiến việc xây dựng lại đội hình gần như bất khả thi trong ngắn hạn.

Nhưng điều nguy hiểm hơn là tác động tâm lý. Một đội bóng liên tục bị nghe rằng họ “không đủ tốt” từ chính HLV trưởng – dù không chỉ đích danh – sẽ ngày càng mất niềm tin vào bản thân. Dẫu Amorim luôn nhận lỗi và giữ thái độ ôn hòa, những lời chê bai tập thể vẫn là sự phủ nhận năng lực mà các cầu thủ không thể làm ngơ.
Thành thật là điều đáng trân trọng, đặc biệt trong môi trường bóng đá đầy giả tạo. Nhưng nếu sự thành thật đó khiến tập thể mất niềm tin, mất định hướng và không còn khả năng chiến đấu, nó sẽ phản tác dụng. Có lẽ Amorim tin rằng MU cần chạm đáy để hồi sinh. Nhưng giữa lý tưởng và thực tế luôn tồn tại khoảng cách, và nếu không kịp thời điều chỉnh, có thể chính ông sẽ là người phải rời đi trước khi kịp chứng kiến “bình minh” sau bóng tối.